Công trình xây dựng phải đảm bảo ứng phó với tình huống bão mạnh

Gia cố nhà, di dời dân khi có bão

Nhằm đảm bảo tất cả các công trình trên địa bàn TP có thể ngừa, ứng phó với bão, không chỉ đối với các công trình xây dựng mới, mà đối với các công trình nhà hiện hữu cũng cần phải được gia cố khi cần thiết nhằm đảm bảo an toàn. Cụ thể, đối với các công trình hiện hữu được thiết kế và thi công tuân thủ các tiêu chuẩn và các quy định về quản lý xây dựng của Nhà nước (nhà theo tiêu chuẩn), khi cấp bão lớn hơn cấp thiết kế thì phải có biện pháp phòng chống và gia cố, đặc biệt đối với các kết cấu bao che và kết cấu mái. Trong trường hợp cần thiết có thể tiến hành di dân đến nơi trú ngụ an toàn.

Cũng với công trình nhà hiện hữu nhưng không được thiết kế và thi công theo các tiêu chuẩn và các quy định về quản lý xây dựng (nhà phi tiêu chuẩn), thì phải thực hiện phân loại, hướng dẫn nhà an toàn theo cấp bão. Cụ thể: nhà kiên cố (nhà có 3 kết cấu chính cột, mái, tường đều được làm bằng vật liệu bền chắc), nằm riêng lẻ ở vị trí trống trải, ven sông, ven biển chịu được bão đến cấp 10, khi xảy ra bão đến cấp 11 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 11, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn. Nhà kiên cố xây dựng thành cụm, ở vị trí có che chắn chịu được bão đến cấp 11, khi xảy ra bão đến cấp 12 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà, khi bão trên cấp 12, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn; nhà bán kiên cố (nhà có 2 trong 3 kết cấu chính cột, mái, tường đều được làm bằng vật liệu bền chắc), nằm riêng lẻ ở vị trí trống trải, ven sông, ven biển chịu được bão đến cấp 8, khi xảy ra bão từ cấp 9 đến cấp 10 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 10, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn. Nhà bán kiên cố xây dựng thành cụm, ở vị trí có che chắn chịu được bão đến cấp 9, khi xảy ra bão từ cấp 10 đến cấp 11 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà. Khi bão trên cấp 11, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn; nhà thiếu kiên cố (nhà có 1 trong 3 kết cấu chính cột, mái, tường đều được làm bằng vật liệu bền chắc), nằm riêng lẻ ở vị trí trống trải, ven sông, ven biển chịu được bão đến cấp 7, khi xảy ra bão từ cấp 8 đến cấp 9 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 9, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn. Nhà thiếu kiên cố xây dựng thành cụm, ở vị trí có che chắn chịu được bão đến cấp 8, khi xảy ra bão từ cấp 9 đến cấp 10 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà. 

Khi bão trên cấp 10, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn; nhà đơn sơ (nhà có cả 3 kết cấu chính cột, mái, tường đều được làm bằng vật liệu không bền chắc), nằm riêng lẻ ở vị trí trống trải, ven sông, ven biển chịu được bão đến cấp 6, khi xảy ra bão từ cấp 7 đến cấp 8 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà. Khi bão trên cấp 8, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn. Nhà đơn sơ xây dựng thành cụm ở vị trí có che chắn chịu được bão đến cấp 7, khi xảy ra bão từ cấp 8 đến cấp 9 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 9, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn.

Riêng đối với các công trình có kết cấu chịu lực chính được thiết kế và thi công tuân thủ các tiêu chuẩn nhưng các kết cấu mái, tường làm bằng tôn, fibro xi măng hoặc các vật liệu tương tự không được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn (các loại nhà khác), khi cấp bão lớn hơn cấp bão trong giới hạn thiết kế kết cấu cần có biện pháp chống gia cố, với cấp bão từ cấp 8 đến 9 trở lên phải có biện pháp phòng chống và gia cố chống sập đổ và tốc mái đối với các kết cấu bao che và kết cấu mái. Trong trường hợp cần thiết cần tiến hành di dân đến nơi trú ngụ an toàn.

Đối với nhà, xưởng, chung cư cũ xuống cấp khi xảy ra bão mạnh - rất mạnh, Sở Xây dựng yêu cầu UBND các quận-huyện rà soát, thống kê các công trình có dấu hiệu nguy hiểm, nghiêng, lún, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng, các chung cư xây dựng trước năm 1990 có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp để chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý công trình thực hiện bảo trì công trình theo quy định. Ngoài ra, phải tổ chức đánh giá định kỳ về an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình trong quá trình khai thác, sử dụng đối với các công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng. Khi cấp bão lớn cần có biện pháp phòng chống và gia cố, đặc biệt đối với các kết cấu bao che, kết cấu mái, các thiết bị lắp đặt bên ngoài công trình (như bồn nước, dàn nóng máy lạnh, cột ăng-ten, kim thu sét…).

 
Thiết kế chung cư phải đảm bảo công trình có khả năng chịu được bão từ cấp 12 trở lên (Một dự án chung cư) tại quận 4. 

Kiểm tra, giám sát thi công công trình

Theo Sở Xây dựng TP, nhằm đảm bảo các công trình thực hiện đúng quy định, việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chủ đầu tư, nhà thầu thi công trong quá trình thực hiện là rất quan trọng. Chính vì thế, sở đã giao cho UBND các quận-huyện, các Ban Quản lý khu đô thị mới, KCN-KCX, khu công nghệ cao tăng cường tổ chức kiểm tra định kỳ công tác quản lý chất lượng, kết hợp kiểm tra việc thực hiện đảm bảo an toàn thi công xây dựng tại các công trình xây dựng được phân công quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về lắp đặt, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn TP. Các chủ đầu tư, nhà thầu khi thi công, lắp đặt, sử dụng giàn giáo phải có thiết kế, nghiệm thu, phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu theo tiêu chuẩn TCXDVN 296:2004; khi lắp đặt cốt pha và đà giáo trong thi công các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép toàn khối phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu theo tiêu chuẩn TCVN 4453:1995 để thiết kế, kiểm tra và nghiệm thu.

Nguồn:  http://www.sggp.org.vn/