Đánh giá việc sử dụng tài nguyên nước tại Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội và TP.HCM

Đề án được thực hiện từ nay đến hết năm 2020 và do Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì thực hiện.

Đề án nhằm rà soát các quy định hiện hành, đánh giá thực trạng về công tác quản lý, khai thác nước dưới đất; xác định hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất và khoanh vùng các khu vực nước dưới đất bị hạ thấp tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá hiện trạng, diễn biến sụt lún bề mặt đất tại các khu vực khai thác nước dưới đất, mực nước dưới đất bị hạ thấp và xác định mức độ tác động của khai thác nước dưới đất đến sụt lún bề mặt đất. Trên cơ sở thực trạng, kinh nghiệm quốc tế, đề xuất định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất, giảm thiểu tác động đến sụt lún bề mặt đất.

Bộ TN&MT đề ra 6 nhiệm vụ để thực hiện đề án. Đầu tiên. Đề án sẽ: rà soát hệ thống các văn bản quy định về quản lý, khai thác nước dưới đất, đánh giá thực trạng, hiệu quả công tác quản lý, khai thác hiện nay.

Trên thực địa, Đề án sẽ điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất tại khu vực thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời xác định, lập bản đồ khoanh vùng phạm vi phễu hạ thấp mực nước dưới đất trong các tầng chứa nước tại khu vực thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên cơ sở các số liệu ghi nhận từ thực tế, Đề án sẽ đánh giá hiện trạng, diễn biến sụt lún bề mặt đất tại các khu vực khai thác nước dưới đất (tại các phễu hạ thấp mực nước dưới đất trong các tầng chứa nước, các khu vực khai thác nước dưới đất vượt ngưỡng khai thác). Từ đó, phân tích, đánh giá xác định mối liên quan giữa sụt lún bề mặt đất và khai thác nước dưới đất tại khu vực bị sụt lún bề mặt đất nằm trong phạm vi các phễu hạ thấp mực nước dưới đất.

Trên cơ sở các phân tích, Đề án sẽ đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về định hướng quản lý, khai thác, sử dụng phù hợp nước dưới đất nhằm bảo đảm sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất, các biện pháp giảm thiểu tác động đến sụt lún bề mặt đất.