Ô nhiễm không khí: Sát thủ thầm lặng

6% - 10% dân số mắc bệnh do ô nhiễm

Theo nghiên cứu vừa được công bố của Viện vật lý Mỹ (IOP), ước tính trên thế giới mỗi năm có khoảng 2,1 triệu ca tử vong là do ô nhiễm không khí từ các hoạt động công nghiệp của con người. Các căn bệnh thường gặp như ung thư phổi, bệnh về đường hô hấp.Tuy báo động là vậy nhưng việc kiểm soát nguồn ô nhiễm này ở các nước trong đó có Việt Nam vẫn đang là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng. Ở Việt Nam, số liệu từ các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc hai bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản vào khoảng từ 6% - 10% dân số, như vậy ước tính Việt Nam có khoảng 6-8 triệu bệnh nhân mắc hai bệnh lý về hô hấp này. Do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường, tỷ lệ mắc hai bệnh này sẽ có chiều hướng gia tăng.

Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường TPHCM cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do không khí bị ô nhiễm nặng. Các yếu tố gây ra tình trạng ô nhiễm không khí bao gồm hạt bụi, chì (pb), tiếng ồn… đặc biệt, tác hại bụi từ giao thông, từ khí thải ô tô xe máy, các hạt bụi từ sản xuất công nghiệp có đường kính từ nhỏ li ti, có thể dễ dàng xuyên qua khẩu trang xâm nhập và lắng đọng ở đường hô hấp giữa. Ảnh hưởng của bụi vào sức khỏe phụ thuộc vào tính chất, nồng độ và kích thước hạt. Bụi có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, mắt da, ung thư. Ngoài ra, tiếng ồn cũng là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng  này, tiếng ồn sinh ra từ hoạt động của máy móc, tiếng còi xe, loa phát thanh… Khi tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ gây mệt mỏi thính giác, giảm thính lực, gây ù tai, điếc nghề nghiệp, làm nhiễu loạn chức năng não, tăng nhịp thở… mất ngủ, suy nhược thần kinh, điếc, huyết áp tăng và giảm thính lực ở nhiều người dân sống ở thành phố một phần là do phải chịu đựng thường xuyên ô nhiễm tiếng ồn đêm khuya.

Tiến hành đo tiếng ồn tại 150 điểm quan trắc đặt trên 30 tuyến đường của TPHCM, tiến sĩ Nguyễn Đình Tuấn, Trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã kết luận, tiếng ồn ở mọi lúc mọi nơi ở đây đều vượt ngưỡng cho phép. Theo đó, ở các tuyến đường đông xe qua lại lần nào đo cũng vượt chuẩn quy định. Đáng báo động nhất là ngay cả đêm khuya, từ 22 giờ đến 6 giờ sáng, mức độ ồn đo được vẫn quá giới hạn gấp nhiều lần. Không riêng kết quả nói trên, kết quả quan trắc tiếng ồn của Chi cục bảo vệ môi trường TPHCM cũng đáng lo ngại. Tất cả sáu trạm quan trắc đặt tại ngã tư An Sương, ngã sáu Gò Vấp, vòng xoay Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, vòng xoay Phú Lâm,  Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh nhiều lần đạt tới 85 dBA, vượt ngưỡng tiếng ồn cao cho nhất cho phép là 75dBA.

Tăng cường đầu tư các trạm quan trắc tự động

Có thể thấy rằng, các số liệu về ô nhiễm môi trường không khí ở nước ta không phải ít và đã chỉ ra được mức độ ô nhiễm trầm trọng như thế nào. Tuy nhiên, hiện nay các giải pháp can thiệp còn rất ít, sơ sài, hiệu quả không cao. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của vấn đề này do chúng ta chỉ dừng lại ở việc đưa ra các số liệu đánh giá ô nhiễm mà không chỉ rõ những tác hại cụ thể của nó nên nhiều người không hình dung được sự nguy hiểm của ô nhiễm môi trường không khí. Do đó, cần có thêm những nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe để có những thông tin thuyết phục, đề xuất chính quyền có những biện pháp can thiệp mạnh hơn cho vấn đề môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Các chuyên gia kiến nghị, cần đầu tư thích đáng cho việc đo đạc chất lượng không khí để có những đánh giá chính xác về ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt cần đầu tư khôi phục lại các trạm quan trắc tự động.

Tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh cho rằng, để cải thiện chất lượng không khí của TPHCM, chúng ta cần xác định các nguồn gây ô nhiễm không khí như hoạt động công nghiệp, xây dựng, năng lượng, dịch vụ, sinh hoạt và giao thông. Các giải pháp phải nằm trong một chiến lược, quy hoạch tổng thể mang tính đa ngành và liên ngành, có lộ trình cụ thể, rõ ràng với những giải pháp ưu tiên, trước mắt. Ví dụ ưu tiên giải quyết vấn đề ô nhiễm bụi đến việc thực hiện các biện pháp dài hạn. Đối với hoạt động giao thông cần quy hoạch đô thị hợp lý, cải thiện chất lượng nhiên liệu sạch, ít ô nhiễm; khuyến khích sử dụng xe công cộng, ưu tiên các loại xe ít hoặc không gây ô nhiễm; kiểm soát chặt chẽ chủ sở hữu, ngày không xe, đường dành cho người đi bộ... Nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời xác lập cơ chế thông tin về môi trường không khí đô thị.