TPHCM - Bảo đảm an toàn nguồn nước thô cung ứng

Nước nhạt không đáp ứng đủ

TPHCM nằm ở khu vực hạ du lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai và phía Đông Bắc giáp với biển Đông. Nguồn nước của TP gồm có nước mưa và nước dưới đất. Cụ thể, nước mưa theo tài liệu thống kê lượng mưa trung bình nhiều năm thay đổi từ 1.505,3mm đến 2.584,3mm và phân bố tăng dần từ Cần Giờ đến Củ Chi; tổng lượng mưa trung bình năm khoảng 3,3 tỷ m³ tùy thuộc vào tình hình mưa hàng năm, mà mức thay đổi theo thống kê thành phố có trên 2.000 sông, kênh, rạch với tổng chiều dài khoảng 4.400km và có trên 70 hồ, ao có kích thước lớn nhỏ khác nhau, có một số hồ lớn với diện tích trên 5.000m²như hồ Đá ở Thủ Đức, hồ Đầm Sen ở quận 11. Theo tính toán, lưu lượng nước mặt nhạt phát sinh trên địa bàn thành phố có thể khai thác được là 900.000m³ngày (sông Sài Gòn). Nước dưới đất là nước được chứa trong các lớp cát, sạn sỏi trong lòng đất của TP và tính từ mặt đất trở xuống có các tầng chứa nước phân bố ở độ sâu như sau: Từ 0÷90,0m; 0÷155,0m; 11,0÷195,0m; 34÷236,0m; 101,0÷282,0m và 116,0÷343,0m; theo tính toán, lượng nước ngầm nhạt có thể khai thác khoảng từ 1,1 - 1,6 triệu m³ngày - đêm.

Do vị trí địa lý và tốc độ phát triển kinh tế xã hội, nguồn nước của TP mang một số đặc điểm đáng lưu ý. Một là lượng nước nhạt (cả nước ngầm nhạt và nước mặt nhạt) có thể khai thác được trên địa bàn TP không đáp ứng đủ nhu cầu nước của toàn TP trong những năm tới (trừ nước mưa chưa tính tới). Theo quy hoạch, nhu cầu nước năm 2025 là khoảng 3,2 triệu m³ngày - đêm (tính mức tối đa) và tỷ lệ giữa nhu cầu nước cấp và khả năng khai thác nguồn nước nhạt của TP là 1,28 triệu m³ngày - đêm. Ngoài ra, nguồn nước nhạt trên địa bàn TP phân bố không đều, chỉ phân bố ở phần phía Bắc, Tây Bắc TP. Hai là chất lượng nguồn nước có xu hướng xấu đi ở cả nguồn nước mặt và nước dưới đất, một số chỉ tiêu như vi sinh, chất hữu cơ gia tăng, nhất là nước các kênh rạch khu vực nội thành và các tầng chứa nước phân bố gần mặt đất, gần các khu công nghiệp và các khu dân cư tập trung. Ba là khai thác sử dụng nguồn nước lãng phí; nguồn nước đang được khai thác sử dụng một cách lãng phí, thất thoát nước trong sử dụng còn cao. Bốn là nguồn nước đang chịu tác động mạnh của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, thể hiện rõ nhất là hạn hán, xâm nhập mặn từ biển.

Thời gian qua, đặc biệt là các tháng mùa khô năm 2016, ở các điểm lấy nước thô trên sông Đồng Nai (Hóa An) và sông Sài Gòn (Hòa Phú) đã xuất hiện hàm lượng clorua vượt chuẩn nguồn nước thô (250mg/l), đặc biệt là tại Hòa Phú trên sông Sài Gòn, làm cho trạm bơm lấy nước tại đây phải ngừng một vài giờ trong ngày và một vài ngày trong một tháng, tình hình này đe dọa đến an ninh nguồn cấp nước thô cho Nhà máy Nước Tân Hiệp.  

Nước sông Sài Gòn đã xuất hiện hàm lượng clorua vượt chuẩn nguồn nước thô. 

3 giải pháp khai thác nguồn nước

Trước tình hình này, cơ quan cấp nước và các cơ quan liên quan đã triển khai một số chương trình nghiên cứu và tổ chức các hội thảo, nhằm tìm ra các giải pháp khả thi đảm bảo an toàn nguồn cấp nước thô của thành phố trong thời gian tới. Một số giải pháp đã được đề ra như chuyển điểm lấy nước lên phía thượng nguồn hoặc lấy nước ngay tại hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An, xây dựng các hồ chứa nước thô, cải tiến công nghệ xử lý nước và một số giải pháp khác.

Với nhiệm vụ được giao là cơ quan chuyên môn của TP về quản lý nguồn nước, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) nhận thấy các giải pháp nhìn chung là tốt. Tuy nhiên, nhằm khai thác hợp lý nguồn nước hiện có của TP và bảo đảm an toàn nguồn cấp nước thô cho các nhà máy nước của TP trong thời gian tới, Sở TN-MT đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất: nguồn cấp nước thô chính cho TP là nguồn nước mặt trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và nguồn nước cấp cho TP được phân bổ và nằm trong Quy hoạch phân bổ nguồn nước của lưu vực sông Đồng Nai. Để đảm bảo cấp nước thô cho Nhà máy nước Tân Hiệp trên sông Sài Gòn, hiện nay hồ Phước Hòa đã được xây dựng và theo thiết kế, hồ này chuyển nước từ sông Bé sang hồ Dầu Tiếng với lưu lượng lớn nhất là 75m³/giây, trong đó cấp nước sinh hoạt cho TPHCM là 10,5m³/giây - khoảng trên 900.000m³/ngày (cũng là công suất của Nhà máy Nước Tân Hiệp), cấp nước tưới cho vùng ven sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Do đó, trước hết TPHCM cần làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa về khả năng xả nước từ hồ Dầu Tiếng về sông Sài Gòn theo thiết kế, từ đó mới xem xét các phương án khác để đảm bảo cấp nước thô cho Nhà máy Nước Tân Hiệp. Để bảo vệ nguồn nước trên sông Sài Gòn, TP chủ trì làm việc với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước nghiên cứu, thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước cho đoạn sông này, nhằm cải thiện chất lượng nguồn nước.

Thứ hai: nghiên cứu để khai thác tổng hợp các nguồn nước hiện có và phát sinh trên địa bàn TP là cần thiết, tiết kiệm kinh phí và chủ động. Nguồn nước ngầm hiện có thể khai thác thêm được khoảng 300.000 - 400.000m³ngày - đêm; nguồn nước mưa rất lớn chưa được nghiên cứu để khai thác sử dụng, nếu khai thác nguồn nước mưa còn góp phần giảm ngập cho TP.

Thứ ba: TPHCM có nguồn nước lợ rất lớn cần được nghiên cứu, đánh giá đưa vào sử dụng. Đây là nguồn nước thô TP có thể chủ động khai thác, công nghệ lọc nước mặn lợ thành nước nhạt hiện nay là phổ biến. Ngoài ra, chúng ta cần nghiên cứu để sử dụng nước tái tạo từ nước thải để cấp cho nhu cầu nước có yêu cầu chất lượng nước không cao.

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/