TP.HCM: Chương trình chống ngập gây ngập
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, chiều 27.8, dù trời chỉ mưa lất phất nhưng đường An Dương Vương đoạn qua địa bàn Q.8 và Q.Bình Tân ngập đầy nước. Nước ngập đục ngầu, bốc mùi xú uế. Từ đường Võ Văn Kiệt rẽ vào một đoạn khoảng 200 m đã gặp ngay một vùng nước ngập lênh láng. Người dân ở đây ví những điểm ngập này như “hố tử thần” ám ảnh họ suốt bao năm qua. Quán cơm Nghĩa Ký của bà Nghĩa ở số 180 An Dương Vương, P.16 (Q.8) bị “hố tử thần” án ngữ phía trước, dù đã dời tủ kính để thức ăn vào trong nhà để tránh nước ngập, nhưng mỗi lần xe chạy qua, nước vẫn văng tung tóe, tràn vào nhà.
TP.HCM: Chương trình chống ngập gây ngập - ảnh 1
Đến 20 giờ ngày 26.8, tình trạng kẹt xe kèm ngập nước sau cơn mưa to vào chiều cùng ngày vẫn còn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM, khiến tình trạng giao thông trở nên hỗn loạn, người đi đường gặp rất nhiều khó khăn.
“Ở đây hầu như ngày nào cũng bị ngập, chỉ sau một cơn mưa là ngập kéo dài đến mấy ngày trời vì nước không có chỗ thoát”, bà Nghĩa than.

 
Đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP làm chủ đầu tư thực hiện dự án cải tạo hệ thống thoát nước, có chiều dài khoảng 3,6 km từ vòng xoay An Lạc đến mũi tàu Phú Lâm. Với vốn đầu tư lên đến hơn 730 tỉ đồng, tưởng chừng khi thực hiện sẽ giúp người dân bớt khổ vì cảnh ngập lâu nay. Thế nhưng nỗi ám ảnh ngập nước lại kinh hoàng hơn.
Người dân điêu đứng bởi một trong những hạng mục quan trọng để chống ngập của dự án này là nâng đường cao đến 2 m. Hàng loạt ngôi nhà bị xây tường gạch cao hơn 1 m bít hết mặt tiền. Đáng nói, đơn vị thi công triển khai công trình ngay mùa mưa khiến nước ngập trút thẳng vào nhà dân.
Từ khoảng 3 tháng nay, việc thi công đã ngừng hoàn toàn, nhưng hệ lụy thì còn nguyên đó. Mặt đường nham nhở, rào chắn ngổn ngang, có đoạn được đổ đất đá cao gần đến nóc nhà dân, có đoạn bị khoét sâu lồi lõm như một bãi chiến trường...
TP.HCM: Chương trình chống ngập gây ngập - ảnh 4
Nhiều ngôi nhà trên đường Kinh Dương Vương bị đơn vị thi công xây tường gạch bít kín Ảnh: Tân Phú
Đường Mai Hắc Đế, Rạch Cát thuộc P.15 (Q.8), đầy những ổ trâu đọng nước đường kính cả mét, có đoạn mặt cống nằm nhô cao giữa đường, xung quanh tạo thành hố sâu rất nguy hiểm. Thảm hơn nữa là có nhà ở đây khi đi vệ sinh không thể dội cầu được vì nước ngập quá cao. Ông Lê Văn Dũng, ở số 2B đường Rạch Cát, lắc đầu: “Sợ nhất là nước ngập vào ban đêm, người đi đường chạy đến đây bị té hoài và nhiều lần tôi phải chở người bị nạn đi bệnh viện cấp cứu”.
Hàng loạt “con đường đau khổ” khác ở Q.12, Q.2, Q.9, Q.Tân Phú, Q.Bình Thạnh, Q.Thủ Đức, H.Hóc Môn... cũng khiến người dân điêu đứng vì mới mưa đã ngập. Trong đó, đường Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận (Q.12) do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP làm chủ đầu tư, vừa hoàn thành nâng cấp hệ thống cống hộp thoát nước với kinh phí hàng trăm tỉ đồng, nhưng ngập vẫn hoàn ngập.
Bà Nguyễn Thị Thu (40 tuổi, ngụ hẻm 13 Nguyễn Văn Quá), bức xúc: “Gia đình tôi thuê trọ tại đây, do nền nhà thấp trũng nên mỗi khi mưa xuống phòng đều bị ngập nước phải đi ra ngoài thuê khách sạn ở tạm. Có hôm đi làm cả ngày đến tối mới về, mưa lớn làm ướt và hư hết đồ đạc nên vô cùng khổ sở”.
Chưa biết khi nào cải thiện !
Ngày 28.8, trả lời Thanh Niên về việc đến bao giờ thi công trở lại và dự kiến thời điểm nào sẽ hoàn thành dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, chỉ nói: “Chưa nắm cụ thể vì phải chờ báo cáo UBND TP”.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng “sự cố” đường Kinh Dương Vương có trách nhiệm lớn của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, Sở GTVT do làm chưa tốt khi công bố quy hoạch, lấy ý kiến người dân, tính toán thiết kế... “Chúng tôi rất chia sẻ với khó khăn của bà con. Đây đang là nỗi đau đầu của TP, thời gian tới phải tính toán làm sao đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành, đảm bảo chống được ngập trên con đường này mà người dân hai bên đường không bị ảnh hưởng bởi nước từ đường tràn vào nhà. Trong tuần này UBND TP sẽ họp bàn để đưa ra kế hoạch khắc phục, lộ trình hoàn thành dự án một cách cụ thể”, ông Khoa nói.
Về “những con đường đau khổ” mà Thanh Niên phản ánh, ông Khoa cho biết thêm: “Do nguồn vốn ngân sách hạn chế nên không thể cùng lúc dàn trải hết. Thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án thì TP phải tính toán kỹ. UBND TP đã có kế hoạch làm việc với UBND các quận, huyện để tìm biện pháp từng bước khắc phục”.

Tân Phú - Phạm Hữu - An Huy