Báo Cáo hội thảo Khoa học Quốc Gia về Khí tượng, Thủy văn , Môi trường và Biến đổi khí hậu

 1NGHIÊN CỨU ÁP DỤNG SƠ ĐỒ BAN ĐẦU HOÁ XOÁY NC2011 TRONG MÔ HÌNH WRF ĐỂ MÔ PHỎNG CẤU TRÚC CƠN BÃO SỐ 12 NĂM 2017         
 Nguyễn Bình Phong, Nguyễn Tiến Mạnh, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Văn Thắng 

 Tóm tắt

Trong bài báo này nhóm tác giả trình bày một số kết quả thử nghiệm áp dụng sơ đồ ban đầu hóa bão NC2011 để mô phỏng cấu trúc cơn bão số 12 (Damrey) năm 2017 bằng mô hình WRF với ba sơ đồ tham số hóa đối lưu Betts-Miller-Janjic, Kain-Fritsch và Grell-Devenyi. Kết quả cho thấy mô phỏng trị số khí áp cực tiểu tại tâm bão khá tốt đặc biệt với sơ đồ Betts-Miller-Janjic. Trong giai đoạn phát triển và chín muồi mô hình mô phỏng bão mạnh hơn so với thực tế, khi bão suy yếu và tan rã, mô phỏng của mô hình cho kết quả bão yếu hơn thực tế. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra được bất đối xứng trong cấu trúc thẳng đứng của bão khi có sự tương tác với địa hình và không khí lạnh. Phần hoàn lưu bão tương tác với địa hình, lượng nước ngưng kết sẽ phát triển đến độ cao lớn hơn.

2. CÁC HÌNH THẾ THỜI TIẾT GÂY MƯA LỚN KHU VỰC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Lê Ánh Ngọc, Mai Văn Khiêm, Nguyễn Văn Tín, Hoàng Đình Thành

Tóm tắt

Mưa cực đoan dẫn đến ngập lụt đô thị là một trong những vấn đề cấp bách của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng V đến tháng XI hàng năm, với tỷ trọng lượng mưa chiếm khoảng từ 90 - 95% tổng lượng mưa cả năm. Trong thời kỳ mùa mưa, hoạt động liên tục của gió mùa tây nam mạnh, ITCZ đôi khi kết hợp với bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông luôn mang đến những đợt mưa lớn diện rộng và kéo dài cho các khu vực này. Những thiệt hại do mưa lớn làm ngập chìm nhiều diện tích đường xá, cầu cống, phá hủy các công trình hạ tầng kỹ thuật và gây ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, mưa lớn còn kèm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông sét, lốc xoáy và gió giật mạnh đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và tính mạng của người dân. Vì vậy bài báo này thống kê và phân tích các hình thế thời tiết chính gây mưa lớn ở khu vực Tp. Hồ Chí Minh từ 2010-2016 phục vụ cho công tác dự báo mưa.

3. DỰ BÁO MƯA DÔNG CHO KHU VỰC THỪA THIÊN HUẾ  BẰNG MÔ HÌNH WRF

Nguyễn Tiến Toàn, Công Thanh, Lê Thị Tuyết Mai

Tóm tắt

Trong bài báo này chúng tôi đánh giá khả năng dự báo mưa dông nhiệt từ 12h đến 17h ngày 7/6/2015. Mô hình mô phỏng tốt trường độ ẩm phát triển từ Tây sang Đông tại thời điểm hình thành cơn mưa dông (12h) và tan dã (17h). Lượng mưa tích lũy mô phỏng khá tốt vùng mưa so với Gsmap từ thời điểm 12h đến 17h. Đánh giá trên 12 trạm ở Thừa Thiên Huế cho thấy mô hình dự báo được lượng mưa với sai số quân phương nhỏ tại các hạn dự báo 5, 7, 9, 10 giờ và hơn lớn hơn 13mm tại các hạn dự báo 6 và 8 giờ.

4. NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ RỦI RO DO NƯỚC DÂNG DO BÃO VỚI LĨNH VỰC NUÔI TRỒNG THỦY SẢN CHO KHU VỰC VEN BIỂN TỪ QUẢNG NINH ĐẾN NINH BÌNH

Nguyễn Xuân Hiển, Nguyễn Xuân Trịnh, Nguyễn Hồng Hạnh

Tóm tắt

Nghiên cứu này sử dụng khái niệm về rủi ro thiên tai của IPCC để tính toán, đánh giá rủi ro do nước dâng do bão với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cho khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. Kết quả tính toán cho thấy huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) lần lượt có mức độ rủi ro cao nhất; tiếp theo là huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh); mức độ rủi ro thấp nhất là TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) và quận Kiến An (TP Hải Phòng). Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học hỗ trợ các địa phương chủ động xây dựng phương án ứng phó với nước dâng do bão, phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do nước dâng do bão gây ra đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hoạch định chính sách, ưu tiên phát triển hợp lý cho khu vực ven biển Bắc Bộ.

5. ĐÁNH GIÁ ĐẶC ĐIỂM BÃO VÀ ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHU VỰC TỈNH NINH THUẬN
 Mai Văn Khiêm

Tóm tắt

Bài báo này trình bày đặc điểm của xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng đến khu vực Ninh Thuận thời kỳ 1977-2015. Số liệu sử dụng để đanh giá được thu thập từ Tổng Cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam và Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA). Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong 39 năm (1977-2015) có 46 cơn xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng đến tỉnh Ninh Thuận, trung bình mỗi năm khoảng 1 xoáy thuận nhiệt đới. Trong 46 xoáy thuận nhiệt đới có 25 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Ninh Thuận, trung bình mỗi năm khoảng 0,64 xoáy thuận nhiệt đới. xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Ninh Thuận nhiều nhất là vào tháng 11, chiếm 30,8% và thứ đến là tháng 10, chiếm 15,4%.  Cường độ xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Ninh Thuận phổ biến ở cấp độ 7 hoặc cấp 8, cá biệt một số ít đạt cấp 9, cấp 10 theo phân cấp Beaufort.

6. ĐÁNH GIÁ ƯỚC LƯỢNG MƯA TỪ ĐỘ PHẢN HỒI RADAR NHÀ BÈ

Công Thanh, Nguyễn Như Quý, Mai Văn Khiêm

Tóm tắt

Trong những năm gần đây, radar đã trở thành công cụ rất quan trọng trong quan trắc và dự báo thời tiết như bão, mưa, mưa lớn,… Để ước lượng mưa từ số liệu quan trắc radar, rất nhiều công thức thực nghiệm đã được phát triển dựa trên tương quan hệ giữa mưa và độ phản hồi radar Z. Mỗi công thức thực nghiệm có ưu và nhược điểm khác nhau. Để có thể ứng dụng vào dự báo nghiệp vụ thì các công thức thực nghiệm cần được kiểm định và hiệu chỉnh các hệ số thực nghiệm. Nghiên cứu này đánh giá ước lượng mưa từ quan trắc radar Nhà Bè theo các công thức thực nghiệm khác nhau. Kết quả cho thấy, trong số 6 công thức ước lượng được sử dụng, công thức của ước lượng mưa diện rộng của Joss và công thức của Marshall-Plamer có thể được sử dụng để ước lượng mưa cho hình thế gió mùa tây nam đơn thuần với sai số vào khoảng là 5mm và thường nhỏ hơn giá trị quan trắc. Công thức được Nguyễn Hướng Điền đưa ra có độ chính xác cao hơn các công thức khác, sai số của ước lượng mưa trong hình thế cho hình thế mưa do dải hội tụ nhiệt đới là 9mm. Tuy nhiên, do đây là công thức ước lượng cho toàn vùng Nam bộ nên vẫn cần tính toán các hệ số thực nghiệm để có được ước lượng mưa chính xác hơn cho từng vùng hay từng trạm.

7. ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG DỰ BÁO CỦA MÔ HÌNH WRF CHO ĐỢT MƯA LỚN Ở HUẾ

Nguyễn Tiến Toàn, Công Thanh, Phạm Hồng Phi

Tóm tắt

Mưa lớn ở Huế chủ yếu do hình thế thời tiết kết hợp với địa hình vì vậy trong bài báo này chúng tôi phân tích khả năng mô phỏng hình thế synop của mô hình ngày 21/9/2016 cho thấy với các hạn dự báo 24 giờ dự báo khá chính xác các hình thế synop gây ra mưa lớn, tuy nhiên mô hình dự báo lượng mưa nhỏ hơn thực và lệch tâm mưa. Hạn 48h và hạn 72h, mô hình mô phỏng hình thế synop gây mưa chưa tốt sai số quân phương >200mm. Đánh giá kết quả dự báo cho cả đợt mưa  từ 18 đến 25/9/2016 của mô hình WRF, dự báo lượng mưa nhỏ hơn so với số liệu trạm. Sai số trung bình của cả đợt lớn, đặc biệt tại các hạn dự báo 48 và 72 h (RMSE>220mm).

8. ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG DỰ BÁO CỦA MÔ HÌNH WRF ĐỢT MƯA LỚN Ở QUẢNG NGÃI

Vũ Tuấn Anh, Công Thanh, Nguyễn Tiến Toàn, Đỗ Thị Hải Yến

Tóm tắt

Đánh giá mưa ở khu vực Quảng Ngãi từ ngày 30/11/2016 đến ngày 8/12/2016 bằng mô hình WRF. Nguyên nhân gây ra đợt mưa lớn trên khu vực Quảng Ngãi của đợt mưa là do ảnh hưởng của không khí lạnh với cường độ tương đối mạnh khi tới khu vực Quảng Ngãi gặp điều kiện địa hình cũng như điều kiện mặt đệm thuận lợi kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao. Mô hình dự báo được lượng mưa tại 2 trạm Quảng Ngãi và Lý Sơn với sai số quân phương < 50mm/ngày. Trong khi sai số quân phương tại trạm Ba tơ lớn hơn 60 mm/ngày ở các hạn dự báo.

9. NGHIÊN CỨU PHƯƠNG PHÁP HIỆU CHỈNH SẢN PHẨM DỰ BÁO NHIỆT ĐỘ HẠN MÙA CHO KHU VỰC VIỆT NAM
Hà Trường Minh, Phạm Quang Nam, Đỗ Thanh Tùng, Mai Văn Khiêm

Tóm tắt

Mặc dù các mô hình khu vực RCM đã và đang được ứng dụng khá nhiều trong dự báo khí hậu hạn mùa, tuy nhiên, các mô hình động lực vẫn luôn luôn chứa đựng các sai số hệ thống làm ảnh hưởng trực tiếp đến các kết quả dự báo. Do đó, việc nghiên cứu phương pháp hiệu chỉnh sản phẩm dự báo là một trong những vấn vô cùng thiết thực và ý nghĩa. Trong nghiên cứu này trình bày một số kết quả về hiệu chỉnh sản phẩm dự báo nhiệt độ của mô hình phổ khu vực (RSM), theo ba phương pháp hiệu chỉnh là phương pháp hiệu chỉnh trung bình đơn giản (BAS), phương pháp hiệu chỉnh phân vị (QM) và phương pháp Bayesian xác suất kết hợp (BJP). Kết quả cho thấy, cả 3 phương pháp hiệu chỉnh đều cho thấy sự cải thiện trong khả năng dự báo nhiệt độ với hệ số tương quan cao hơn và sai số mô hình thấp hơn so với kết quả chưa hiệu chỉnh. So sánh 3 phương pháp hiệu chỉnh, phương pháp BJP cho kết quả tốt hơn so với 2 phương pháp còn lạ

10. ỨNG DỤNG MÔ HÌNH WRF MÔ PHỎNG MƯA LỚN CHO KHU VỰC TP. HỒ CHÍ MINH
Nguyễn Văn Tín,  Mai Văn Khiêm, Lê Ánh Ngọc, Hoàng Đình Thành, Võ Thị Nguyên
Tóm tắt:

Bài báo này sử dụng mô hình WRF mô phỏng một số đợt mưa lớn ở Tp. Hồ Chí Minh trong những năm gần đây, kết quả cho thấy WRF đã mô phỏng được sự xuất hiện của mưa lớn trong các đợt mô phỏng, tuy nhiên tâm mưa mô phỏng có sự sai khác so với thực đo. Sai số lượng mưa giữa mô phỏng và thực đo không đồng nhất giữa các trạm, kết quả mô phỏng cao hơn so với thực đo tại các trạm Bình Chánh, Cần Giờ, Cát Lái, Củ Chi, Hóc Môn, tuy nhiên tại các trạm Tân Sơn Hòa, Nhà Bè lượng mưa dự báo thấp hơn so với thực đo.

11. ỨNG DỤNG PHẦN MỀM TITAN ĐỂ NHẬN DẠNG, THEO DÕI, PHÂN TÍCH TỨC THỜI DÔNG CHO KHU VỰC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Võ Thị Nguyên, Mai Văn Khiêm

Tóm tắt

Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu ứng dụng phần mềm TITAN để nhận dạng, theo dõi, phân tích tức thời dông cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Thuật toán Tstorms2Symprod trong phần mềm TITAN được sử dụng để xác định ổ dông và sự di chuyển ổ dông trong 1 giờ tới, thông qua độ phản hồi vô tuyến của ra đa Nhà Bè thời gian thực, dựa trên véc tơ làm trơn TREC. Việc tích phân theo thời gian sử dụng các sơ đồ bán thời gian Lagrange. Các sơ đồ tích phân này trong 60 phút cho tra 10 dự báo cách nhau khoảng 6 phút/ lần. Kết quả của phần mềm được kiểm chứng với số liệu quan trắc tại trạm, sản phẩm Cmax (độ phản hồi vô tuyến cực đại của ra đa) và ảnh mây vệ tinh Himawari-8. Nghiên cứu cho thấy mô hình TITAN có thể nắm bắt được vị trí, hướng và vận tốc di chuyển, quy mô của các ổ dông. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong dự báo mưa hạn cực ngắn cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

12. XU THẾ BIẾN ĐỔI CỦA CÁC YẾU TỐ KHÍ HẬU VÀ KỊCH BẢN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CHO KHU VỰC NAM BỘ

Lê Ánh Ngọc, Võ Thị Nguyên, Nguyễn Văn Tín, Hoàng Đình Thành, Lê Hồng Dương

Tóm tắt

Xu thế các yếu tố khí hậu khu vực Nam Bộ trong giai đoạn 1980-2017 cho thấy nhiệt độ trên toàn khu vực Nam Bộ có xu thế tăng ở tất cả các trạm với tốc độ trung bình tăng từ 0,08 - 0,48 oC/ thập kỉ. Xu thế biến đổi của lượng mưa không đồng nhất giữa các trạm, có trạm có xu thế tăng, trạm có xu thế giảm. Theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) năm 2016, đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình khu vực Nam Bộ tăng 1,8÷2,0oC (RCP4.5); 3,3÷3,5oC (RCP8.5) so với thời kỳ cơ sở. Đối với lượng mưa, đến cuối thế kỷ XXI, lượng mưa trung bình khu vực Nam Bộ tăng từ 9,6÷23,8% (RCP4.5); 12,6 ÷ 23,7% (RCP8.5) so với thời kỳ cơ sở

13. NGHIÊN CỨU ÁP DỤNG CÁC THÔNG TIN KHÍ HẬU PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VÀ THÔNG MINH VỚI KHÍ HẬU Ở TỈNH AN GIANG

Ngô Sỹ Giai, Nguyễn Văn Hồng, Bùi Chí Nam, Phan Thị Anh Thơ

Tóm tắt

Bài báo trình bày các quan điểm, phương pháp và các tiêu chí định lượng để lựa chọn các chỉ tiêu định lượng về các điều kiện khí hậu phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thông minh với khí hậu ở tỉnh An Giang. Các ví dụ về các tiêu chí khí hậu dự kiến áp dụng cho 4 lĩnh vực bao gồm: i) hệ số biến động của lượng mưa phục vụ xác định các vùng trồng trọt và cơ cấu mùa vụ; ii) chỉ số SPI (chỉ số chuẩn hóa lượng mưa) phục vụ cảnh báo các điều kiện khô hạn và ẩm ướt phục vụ phòng trừ các loại sâu và dịch bệnh có mức độ nhạy cảm khác nhau với các điều kiện thời tiết/khí hậu ẩm ướt và khô hạn; iii) chỉ số nóng nực (temperature – humidity – THI) phục vụ cảnh báo các mức độ khó chịu/căng thẳng của các điều kiện thời tiết nóng ẩm đối với vật nuôi (gia suc và gia cầm); và iv) các chuẩn sai năng suất thời tiết so với độ lệch chuẩn của năng suất xu thế của năng suất trung bình tỉnh (phương pháp dánh giá của Ngân hàng Thế giới) phục vụ cảnh báo mất mùa – tiêu chí bất an ninh lương thực, một tiêu chí quan trọng của Phát triển nông nghiệp bền vững.

14. NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG CHỈ SỐ CHUẨN HÓA TRONG GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ VÀ PHỤC VỤ CẢNH BÁO HẠN TỈNH AN GIANG

Bùi Chí Nam, Phạm Thanh Long, Hoàng Thị Vân Anh, Lê Hồng Dương

Tóm tắt

Báo cáo trình bày việc sử dụng các chỉ số SPI và chỉ số thiếu hụt dòng chảy để đánh giá diễn biến của các đợt hạn khí tượng, hạn thủy văn tại trạm Châu Đốc. Đồng thời, nghiên cứu cũng đã ứng dụng thử nghiệm chỉ số chuẩn hóa lượng mưa để chuẩn hóa dòng chảy nhằm hạn chế sử dụng nhiều phương pháp tính toán các loại chỉ số khác nhau trong đánh giá và giám sát hạn. Kết quả nghiên cứu cho thấy các chỉ số hạn đã diễn tả tốt tình trạng hạn hán, có 5/6 đợt hạn tại trạm Châu Đốc được ghi nhận đúng với tình trạng thực tế cũng như trùng với các đợt El-Nino là nguyên nhân gây ta thiếu hụt lượng mưa. Đồng thời, kết quả cho thấy SSFI có thể được sử dụng như là một chỉ số hạn thủy văn.

15. XÂY DỰNG KỊCH BẢN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CHO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Mai Văn Khiêm

Tóm tắt

Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên nền kịch bản BĐKH của Việt Nam được công bố năm 2016 bởi Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. Bốn mô hình khí hậu khu vực độ phân giải cao bao gồm CCAM, clWRF, PRECIS, RegCM được áp dụng để tính toán chi tiết hóa kết quả của mô hình khí hậu toàn cầu. Kết quả cho thấy, nhiệt độ trung bình năm ở Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai đều có xu thế tăng lên so với thời kỳ cơ sở 1986 - 2005, mức tăng phụ thuộc vào các kịch bản RCP. Đến cuối thế kỷ, nhiệt độ trung bình năm ở Thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng khoảng 1,7÷1,9°C theo kịch bản RCP4.5 và 3,2÷3,6°C theo kịch bản RCP8.5. Trong khi đó, lượng mưa năm ở Thành phố Hồ Chí Minh có xu thế tăng ở hầu hết các thời kỳ theo cả hai kịch bản RCP. Đến cuối thế kỷ, lượng mưa năm ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng phổ biến từ 15 đến 25% theo kịch bản RCP4.5 và 20-25% theo kịch bản RCP8.5. Lượng mưa năm ở khu vực ven biển tăng nhiều hơn so với khu vực sâu trong đất liền.

16. NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG KỊCH BẢN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CHO LƯU VỰC HỒ DẦU TIẾNG

Hà Trường Minh, Mai Văn Khiêm, Bảo Thạnh

Tóm tắt

Biến đổi khí hậu đã tác động xấu đến số lượng và chất lượng nguồn nước của hồ Dầu Tiếng, vừa làm suy giảm nguồn nước của các sông trong mùa khô gây thiếu nước, đồng thời mưa lớn trong mùa mưa làm tăng lực lớn lên các hồ chứa. Báo cáo này trình bày kết quả nghiên cứu xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu trong mùa mưa chi tiết cho lưu vực Hồ Dầu Tiếng dựa trên nền kịch bản BĐKH của Việt Nam được công bố năm 2016 bởi Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. Kết quả cho thấy, theo phương án tổ hợp cao với ngưỡng phân vị 80% của tập hợp các mô hình, với kịch bản RCP4.5, vào đầu thế kỷ, lượng mưa mùa mưa tăng 11% ÷ 15% so với thời kỳ cơ sở; Vào giữa thế kỷ, mức tăng là 16% ÷ 19%. Đến cuối thế kỷ, lượng mưa mùa mưa 18% ÷ 19%. Với kịch bản RCP8.5, vào đầu thế kỷ, lượng mưa mùa mưa tăng 15% ÷ 18%; vào giữa thế kỷ, mức tăng khoảng 19% ÷ 24%. Đến cuối thế kỷ, lượng mưa mùa mưa tăng 27% ÷ 30%

17. KHẢO SÁT TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN TỈNH BÌNH THUẬN

Lê Ánh Ngọc, Võ Thị Nguyên, Hoàng Đình Thành, Bảo Thạnh

Tóm tắt

Khảo sát tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tại tỉnh Bình Thuận được tiến hành thông qua phỏng vấn 30 hộ dân tại mỗi huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Phương pháp phân tích thống kê được áp dụng để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến từng địa phương tại khu vực này. Kết quả cho thấy hạn hán và nắng nóng và mưa trái mùa là những thiên tai chính tác động đến tỉnh Bình Thuận. Bão, lũ lụt, nước biển dâng là các thiên tai được đánh giá là ít tác động. Thiên tai trên xảy ra dẫn đến mất mùa và làm gia tăng chi phí sản xuất, chi phí sinh hoạt, có nơi dẫn đến phải đi vay nợ. Nước sử dụng để sinh hoạt tại đây có nhiều nơi bị nhiễm mặn ở khu vực ven biển và nhiễm phèn tại khu vực miền núi.

18. NGHIÊN CỨU TÍNH TOÁN  PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH TRONG LĨNH VỰC CHẤT THẢI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Lê Ánh Ngọc, Nguyễn Văn Tín, Võ Thị Nguyên, Hoàng Đình Thành, Bảo Thạnh

Tóm tắt

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại. Nguyên nhân chính của BĐKH là do phát thải khí nhà kính (KNK), trong đó, các hoạt động con người là nguồn phát thải chính. Kiểm kê khí nhà kính quốc gia được thực hiện trên 5 lĩnh vực: nông nghiệp, năng lượng, các quá trình công nghiệp, chất thải, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp. Là trung tâm của các nước về kinh tế, thương mại, Thành phố Hồ Chí Minh góp phần vào phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh năm 2016 và áp dụng phương pháp tính từ IPCC 2006, kết quả tính toán cho thấy tổng lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải năm 2016 tại thành phố Hồ Chí Minh là 3.007.110 tấn CO2 tương đương, trong đó phát thải trong lĩnh vực chất thải rắn: 2.863.762 tấn CO2 tương đương (95%), trong lĩnh vực nước thải: 143.348 tấn CO2 tương đương (5%).

19. DIỄN BIẾN THUỶ VĂN KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG NĂM 2017
Trần Quang Minh, Phạm Thanh Long, Lê Văn Kiệm, Lê Hồng Dương
Tóm tắt
Trên cơ sở phân tích số liệu thực đo của năm 2017 thu thập tại các trạm cơ bản do Bộ Tài Nguyên Môi Trường quản lý, đồng thời tham khảo một số kết quả nghiên cứu có liên quan phân tích, tổng hợp diễn biến thuỷ văn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2017.

20. NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG CÁC KỊCH BẢN NGẬP LỤT KHU VỰC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH CÓ TÍNH ĐẾN TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Trần Tuấn Hoàng, Mai Văn Khiêm, Hồ Công Toàn, Huỳnh Thị Mỹ Linh,  Châu Thanh Hải, Lê Lương Kỳ Tường

Tóm tắt

Vấn đề ngập lụt tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) trở nên đặc biệt nghiệm trọng trong những năm gần đây, do tình trạng gia tăng liên tục của mực nước trên sông Sài Gòn, cùng với những trận mưa có vũ lượng lớn xuất hiện ngày càng thường xuyên. Do nhiều nguyên nhân tự nhiên cũng như con người, trong đó không thể không nhắc đến do sự biến đổi khí hậu đã làm gia tăng mực nước biển và mưa lớn hơn ở thượng lưu. Vì vậy, nghiên cứu về biến đổi khí hậu đến ngập lụt tại thành phố là rất cần thiết. Trong bài báo này, chúng tôi ứng dụng mô hình MIKE FLOOD để đánh giá diễn biến ngập lụt tại TP.HCM dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (lũ thượng nguồn gia tăng trên các sông, mưa cực đoan xảy ra thường xuyên và nước biển dâng) trong năm 2016 và các kịch bản được chọn cho tính toán tương lai (RCP4.5, kịch bản RCP8.5 cho năm 2030 và 2100).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, diễn biến ngập lụt gia tăng cả về diện tích ngập lẫn độ sâu ngập trong tương lai, đặc biệt là ở kịch bản RCP4.5 cho năm 2100 với diện tích ngập được mô phỏng khoảng 929,424 km2 (chiếm 44,359% diện tích toàn thành phố) và kịch bản RCP8.5 cho năm 2100 với diện tích ngập khoảng 1.110,315 km2 (chiếm 52,992% diện tích toàn thành phố). Nghiên cứu này là cơ sở cho các nhà quản lý đưa ra giải pháp phù hợp nhằm phòng, chống ngập lụt và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.

21. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG NGẬP LỤT DO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN MỘT SỐ LĨNH VỰC Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trần Tuấn Hoàng, Mai Văn Khiêm, Hồ Công Toàn, Huỳnh Thị Mỹ Linh, Châu Thanh Hải, Bảo Thạnh

Tóm tắt

Ngập lụt tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) trở nên đặc biệt nghiệm trọng trong những năm gần đây, do tình trạng gia tăng liên tục của mực nước trên sông Sài Gòn, cùng với những trận mưa có vũ lượng lớn xuất hiện ngày càng thường xuyên. Ngoài những nguyên nhân khách quan và chủ quan thì không thể không nhắc đến nguyên nhân biến đổi khí hậu đang làm mực nước biển dâng, mưa nhiều hơn dẫn đến lũ thượng nguồn lớn hơn, những vấn đề trên đã góp phần gia tăng sự ảnh hưởng của ngập lụt đến dân cư, tự nhiên và các hoạt động kinh tế - xã hội. Vì vậy, nghiên cứu ảnh hưởng ngập lụt dưới tác động của biến đổi khí hậu đến một số lĩnh vực tại TP.HCM là rất cần thiết. Trong bài báo này, chúng tôi kế thừa kết quả từ nghiên cứu ứng dụng mô hình MIKE FLOOD để đánh giá diễn biến ngập lụt tại TP.HCM dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong năm 2016 và các kịch bản được chọn cho tính toán tương lai (RCP4.5, kịch bản RCP8.5 cho năm 2030 và 2100).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tác động của ngập lụt đến những lĩnh vực trên sẽ lớn hơn trong tương lai. Nghiên cứu này là cơ sở cho các nhà quản lý đánh giá tác động ngập lụt đến nhiều lĩnh vực khác, nhằm đưa ra giải pháp phù hợp, hỗ trợ phòng, chống ngập lụt và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.

22. NGHIÊN CỨU DỰ BÁO SÓNG VÙNG BIỂN NAM BỘ BẰNG MÔ HÌNH MIKE 21/3 FM COUPLE

Huỳnh Thị Mỹ Linh, Hồ Công Toàn, Châu Thanh Hải, Lê Minh Trang, Trần Tuấn Hoàng

Tóm tắt

Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng mô hình MIKE 21/3 FM couple để dự báo sóng khu vực biển Nam Bộ. Từ việc kiểm định mực nước tại trạm Vũng Tàu, độ cao sóng tại trạm Côn Đảo và Phú Quốc chỉ ra rằng, bộ thông số mô hình đáp ứng để dự báo sóng trong tương lai. Kết quả dự báo sóng từ ngày 04/06/2018 đến 06/06/2018, cho thấy ở biển Đông sóng có hướng Tây Nam, ở vùng biển vịnh Thái Lan sóng hướng Tây và Tây Nam. Ngoài ra, khu vực nghiên cứu trong thời gian này còn chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, do đó độ cao sóng được dự báo khá cao. Những kết quả của nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học trong việc tính toán: xói mòn, bảo vệ bờ biển, các hoạt động quản lý vùng ven biển và năng lượng sóng tái tạo xung quanh khu vực ven biển Nam Bộ.

23. PHÂN TÍCH VÀ DỰ BÁO MỰC NƯỚC TRẠM VŨNG TÀU BẰNG PHẦN MỀM MÃ NGUỒN MỞ U_TIDE

Ngô Nam Thịnh, Trần Tuấn Hoàng, Nguyễn Phương Đông, Trần Thị Kim

Tóm tắt

U_tide được phát triển bởi Codiga (2011), là chương trình phân tích và dự báo thủy triều bằng phương pháp phân tích điều hòa. U_tide dựa trên hàm Matlab của T_tide (Pawlowicz 2002) cải tiến khả năng phân tích và dự báo chuỗi số liệu nhiều năm cùng với khả năng xử lý chuỗi số liệu có chứa những số liệu bị lỗi. U_Tide được ứng dụng tính toán phân tích và dự báo mực nước trạm hải văn Vũng Tàu. Từ số liệu mực nước thực đo tại Vũng Tàu năm 2005-2016, U_Tide phân tích được 68 phân triều và số phân triều này được sử dụng để tính toán dự báo mực nước. Kết quả dự báo mực nước cho thấy dao động mực nước tính toán phù hợp với dao động mực nước thực đo với hệ số tương quan lên đến 99%.

24. ỨNG DỤNG MÔ HÌNH MIKE FLOOD CẬP NHẬT BẢN ĐỒ NGUY CƠ NGẬP CHO TỈNH TRÀ VINH TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ NƯỚC BIỂN DÂNG

Trần Tuấn Hoàng, Dương Thị Mộng Thắm. Trương Trung Hiền, Huỳnh Anh Kiệt

Tóm tắt

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong Thế kỷ XXIvà Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt do mực nước biển dâng. Theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và công bố năm 2016 thì 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập nếu mực nước biển dâng 100 cm và không có các giải pháp ứng phó, trong đó, tỉnh Trà Vinh có nguy cơ ngập 21,3% diện tích tự nhiên của tỉnh. Để đánh giá chi tiết nguy cơ ngập của tỉnh Trà Vinh trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD), nghiên cứu đã ứng dụng mô hình MIKE FLOOD mô phỏng và cập nhật bản đồ nguy cơ ngập cho tỉnh Trà Vinh đến năm 2040 trên cơ sở các kịch bản BĐKH, NBD đã được công bố. Theo kết quả tính toán, tổng diện tích ngập theo kịch bản hiện trạng năm 2016 là 29.590,9 ha (chiếm 12,55% diện tích tự nhiên của tỉnh); Vào năm 2030, ứng với Kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình thấp (RCP4.5), Kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình cao (RCP6.0) và Kịch bản nồng độ khí nhà kính cao (RCP8.5) diện tích ngập tăng 5.662,0 ha, 3.017,3 ha và 5.662,0 ha so với kịch bản hiện trạng năm 2016; Vào năm 2040, ứng với RCP4.5, RCP6.0 và RCP8.5 diện tích ngập tăng 14.429,9 ha, 6.344,1 ha và 15.635,3 ha so với kịch bản hiện trạng năm 2016. Huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải chiếm phần lớn diện tích ngập của tỉnh. Mức ngập phổ biến là từ 10 - 40 cm, mức ngập >70 cm chủ yếu tại các khu vực bãi bồi ven sông, rạch. Kết quả của nghiên cứu là cơ sở để các cơ quan, ban, ngành của tỉnh xem xét tác động của ngập lụt do BĐKH, NBD đến các ngành, lĩnh vực để có giải pháp thích ứng.

25. ỨNG DỤNG MÔ HÌNH MIKE FLOOD CẬP NHẬT BẢN ĐỒ NGUY CƠ NGẬP CHO TỈNH BẾN TRE TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ NƯỚC BIỂN DÂNG

Trần Tuấn Hoàng, Dương Thị Mộng Thắm, Trương Trung Hiền, Nguyễn Thành Luân
Tóm tắt

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và công bố năm 2016 thì 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập nếu mực nước biển dâng 100 cm và không có các giải pháp ứng phó, trong đó, tỉnh Bến Tre có nguy cơ ngập 22,2% diện tích tự nhiên của tỉnh. Nghiên cứu đã ứng dụng mô hình MIKE FLOOD mô phỏng và cập nhật bản đồ nguy cơ ngập cho tỉnh Bến Tre đến năm 2040 trên cơ sở các kịch bản BĐKH, NBD đã được công bố. Theo kết quả tính toán, tổng diện tích ngập theo kịch bản hiện trạng năm 2016 là 74.721 ha (chiếm 31,2% diện tích tự nhiên của tỉnh); Vào năm 2030, ứng với Kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình thấp (RCP4.5), Kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình cao (RCP6.0) và Kịch bản nồng độ khí nhà kính cao (RCP8.5) diện tích ngập tăng 16.532 ha, 15.024 ha và 16.532 ha so với năm 2016; Vào năm 2040, ứng với RCP4.5, RCP6.0 và RCP8.5 diện tích ngập tăng 24.537 ha, 23.108 ha và 26.426 ha so với năm 2016. Huyện Ba Tri và huyện Bình Đại chiếm phần lớn diện tích ngập của tỉnh. Kết quả của nghiên cứu là cơ sở để các cơ quan, ban, ngành của tỉnh xem xét tác động của ngập lụt do BĐKH, NBD đến các ngành, lĩnh vực để có giải pháp thích ứng.

26. ỨNG DỤNG MÔ HÌNH MIKE 11 MÔ PHỎNG XÂM NHẬP MẶN TỈNH VĨNH LONG THEO CÁC KỊCH BẢN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ NƯỚC BIỂN DÂNG

Hồ Công Toàn, Châu Thanh Hải, Huỳnh Thị Mỹ Linh, Trần Tuấn Hoàng

Tóm tắt

Trong bối cảnh chung của đất nước cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng ngày càng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì tỉnh Vĩnh Long trong những năm qua, xâm nhập mặn đã tác động nghiêm trọng hơn. Lưu lượng dòng chảy thượng nguồn vào mùa khô ngày càng giảm kết hợp với mực nước biển dâng làm xâm nhập mặn lấn sâu vào trong nội đồng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người và các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã ứng dụng mô hình Mike 11 để mô phỏng lan truyền mặn trên hai sông chính và các nhánh sông chảy qua tỉnh Vĩnh Long. Mô hình sẽ tính toán diễn biến xâm nhập mặn vào mùa khô năm 2016 và mô phỏng lan truyền mặn năm 2020, 2030 theo kịch bản RCP4.5 và RCP8.5 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016. Kết quả tính toán lan truyền mặn cho thấy năm 2016 tại các vị trí Tích Thiện và Vũng Liêm độ mặn đã lớn hơn 4o/oo, các vị trí còn lại có độ mặn tương đối thấp và xâm nhập mặn được dự báo sẽ gia tăng ở tất cả kịch bản trong tương lai.

27. NGHIÊN CỨU TÍNH TOÁN QUÁ TRÌNH BỒI LẮNG, XÓI LỞ VÀ ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG CỦA HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC CÁT MỘT ĐOẠN SÔNG VÀM CỎ ĐÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

Trà Nguyễn Quỳnh Nga, Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Văn Hồng, Lê Thanh Tú, Trần Thị Kim

Tóm tắt

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu bồi lắng xói lở và đánh giá ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát đến độ ổn định bờ sông Vàm Cỏ Đông bằng mô hình toán. Cụ thể trong nghiên cứu tác giả đã sử dụng mô hình toán tính diễn biến đáy hai chiều để xác định vùng bồi lắng và xói lở cho toàn sông Vàm Cỏ Đông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đồng thời tính toán ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát trên đoạn sông thuộc ranh giới huyện Hòa Thành và huyện Châu Thành theo 2 kịch bản: không khai thác cát và có khai thác cát theo quy định. Các kết quả đạt được cho thấy hoạt động khai thác cát có những tác động tích cực và tiêu cực khác nhau. Nếu khai thác đúng sẽ có tác dụng khơi thông dòng chảy, góp phần giảm thiểu sạt lở bờ. Ngược lại sẽ gây ra những vấn đề biến đổi thủy động lực khó lường dẫn đến nguy cơ sạt lở bờ.

28. PHÂN TÍCH XU THẾ BỒI TỤ VÀ XÓI LỞ ĐƯỜNG BỜ KHU KINH TẾ NHƠN HỘI BẰNG MÔ HÌNH TOÁN

Phạm Thanh Long, Trần Hồng Thái, Dương Ngọc Tiến

Tóm tắt

Quá trình bồi tụ và xói lở đường bờ là một trong yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển bền vững của một khu vực đặc biệt là một khu kinh tế trọng điểm. Trong nghiên cứu này đã phân tích xu thế bồi tụ và xói lở đường bờ khu kinh tế Nhơn Hội – Bình Định bằng cách ứng dụng bộ mô hình MIKE. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đây là khu vực có động lực sóng, dòng chảy yếu, dao động mực nước nhỏ và có độ biến động đường bờ không lớn. Tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao và làm thay đổi mức độ biến động đường bờ trong tương lai.

29. ĐÁNH GIÁ VÀ DỰ BÁO XÂM NHẬP MẶN NƯỚC DƯỚI ĐẤT KHU VỰC PHÍA NAM VEN BIỂN TỈNH BÌNH THUẬN BẰNG PHƯƠNG PHÁP MÔ HÌNH

Phạm Thanh Long, Hoàng Thị Vân Anh, Trần Việt Hoàn

Tóm tắt

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã làm cho xâm nhập mặn xâm nhập sâu vào đất liền vùng ven biển tỉnh Bình Thuận và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất và nguồn nước sinh hoạt của người dân. Bài báo này sẽ đề cập đến một phương pháp mới đối với tỉnh Bình Thuận, đó là phương pháp mô hình hoá. Có 2 mô hình được sử dụng trong phương pháp này đó là mô hình dòng chảy nước dưới đất và mô hình SEAWAT. Thông qua mô hình dòng chảy nước dưới đất, khu vực ven biển tỉnh Bình Thuận sẽ xác định được: Cao độ tuyệt đối mực nước dưới đất và cân bằng nước dưới đất trong 1 năm từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2016. Mô hình SEAWAT sẽ cho kết quả về mức độ xâm nhập mặn tại vùng nghiên cứu theo thời gian và không gian. Dựa vào đó tìm được sự thay đổi diện tích phân bố mặn nhạt