Hồ Dầu Tiếng xả nước 'cứu' người dân Sài Gòn

Ngày 8/3, hồ Dầu Tiếng – Phước Hòa xả nước xuống sông Sài Gòn, kéo dài trong 3 hôm với lưu lượng 30 m3 một giây để đẩy mặn, giúp nhà máy nước Tân Hiệp lấy nước thô xử lý, cung cấp cho người dân TP HCM sinh hoạt.

Các số liệu quan trắc cho thấy, nước lấy từ sông Sài Gòn - Đồng Nai nhiều thời điểm không còn đáp ứng được theo quy chuẩn một số chỉ tiêu (độ mặn vượt quá 25 mg một lít), không xử lý được khiến hoạt động cấp nước đôi lúc phải ngưng trệ.

Theo tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), nhiều nhà máy nước như Tân Hiệp, Bình An, Thủ Đức… đã nhiều lần ngưng lấy nước thô hoặc khó khăn trong xử lý nước. Dự báo tình trạng xâm nhập mặn còn tiếp tục gây ra những tác động xấu trực tiếp đến hệ thống cấp nước của TP HCM ít nhất đến tháng 4.

ho-dau-tieng-xa-nuoc-cuu-nguoi-dan-sai-gon

Hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn sông Sài Gòn. Ảnh: Báo Tây Ninh

Công ty thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, từ đầu năm đã xả nước 5 lần xuống sông Sài Gòn để “cứu” các nhà máy nước sạch ở hạ nguồn trước diễn biến xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt.

Số liệu từ Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP HCM cũng chỉ ra độ mặn tại huyện Nhà Bè tăng 30-40% so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng 80% so với nhiều năm gần đây.

Sawaco cho biết, do biến đổi khí hậu, tình trạng nhiễm mặn trên sông Sài Gòn - Đồng Nai tăng cao, hoạt động cấp nước cho địa bàn TP HCM cũng gặp không ít khó khăn. Đơn vị này đang xây dựng kế hoạch xây hồ chứa nước ngọt tại huyện Củ Chi để làm nguồn nước thay thế trong trường hợp nước sông Sài Gòn - Đồng Nai nhiễm mặn quá cao.

Về nguyên nhân xâm nhập mặn, ông Phạm Thế Vinh - Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam - cho rằng, hạn mặn diễn ra mạnh vì El Nino kéo dài khiến khu vực Nam bộ rất ít mưa. Ngoài ra, việc triều cường kéo dài đến tháng 2, 3 khiến nước mặn đi sâu vào các cửa sông.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp cho biết do hiện tượng El Nino nên mùa mưa đến trễ và kết thúc sớm. Tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt 20-50% trung bình nhiều năm. Mực nước thượng nguồn sông MeKong tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua. 

Hiện, trên các hệ thống sông chính ở miền Tây, mặn xâm nhập sâu 40-93 km, tăng 10-15 km so với các năm trước. Gần 340.000 ha trong tổng số 1,55 triệu ha lúa đông xuân đang sản xuất tại miền Tây có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn. Trong đó, 104.000 ha lúa bị thiệt hại nặng nề, hàng chục nghìn ha bị chết.

Trước tính cấp bách, hôm qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc cùng dân chống hạn và xâm nhập mặn, đề nghị Trung Quốc xả đập trên sông Mekong.

Duy Trần theo VNExpress