Cân nhắc việc áp dụng cốt nền mới trong khu dân cư cũ

Cốt nền được cập nhật và được xác định rõ ràng các quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố. Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương là phải thông báo cho người dân cũng như các doanh nghiệp khi cấp giấy phép xây dựng hoặc thẩm định hồ sơ thiết kế xây dựng công trình. Nói một cách khách quan, trình tự cập nhật, công bố cốt nền xây dựng khá chặt chẽ. Thế nhưng, vấn đề ở chỗ chỉ có những công trình xây dựng mới, mới có thể thực thi cốt nền xây dựng mới. Nhà dân ở hiện hữu hoặc các công trình đã được xây dựng từ trước gần như không thể kê kích thêm để đáp ứng với yêu cầu của cốt xây dựng mới. Trong khu dân cư hiện hữu, người dân đã sống ổn định, số nhà và công trình cũ thường chiếm đa số. Chính vì vậy mới có tình huống đường được cải tạo mới (nâng đường), lập tức biến nhà dân thành hầm. Như vậy nên chăng, cân nhắc lại việc áp dụng cốt nền xây dựng mới, đặc biệt là cốt nền trong xây dựng cầu, đường trong khu dân cư hiện hữu? Việc này chỉ nên áp dụng ở các khu dân cư mới, nơi mà người dân và chính quyền có cơ hội thực hiện đồng bộ cốt nền xây dựng cho cả khu vực. Khu nội thành hiện hữu, nên tìm giải pháp khác để chống ngập thay vì nâng đường như hiện nay. Có thể vận động người dân xây bể chứa nước hoặc chính quyền nghiên cứu làm hồ điều tiết nước. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng diễn biến phức tạp như hiện nay, không ai dám chắc rằng với cốt nền xây dựng 2,5m đã là an toàn… với ngập. Không lẽ, khi nước biển dâng cao hơn nữa, chúng ta lại điều chỉnh cốt nền… cao lên nữa?

Nhiều nhà khoa học về quản lý và phát triển đô thị thường nói đến hai nhóm giải pháp trong chống ngập: nhóm công trình và nhóm phi công trình. Xây đập, đặt ống thoát nước… thuộc nhóm công trình. Nhóm này có ưu điểm là phát huy tác dụng ngay (nếu được đầu tư hợp lý), song có nhược điểm bị giới hạn bởi quy mô, nên rất dễ trở nên lạc hậu với sự biến thiên của thời tiết. Nhóm thứ hai mất thời gian chuẩn bị hơn bởi phải vận động sự tham gia của toàn cộng đồng, thế nhưng nếu làm tốt, hiệu quả trong chống ngập của nhóm này bền vững hơn. Các giải pháp chủ yếu của nhóm phi công trình là vận động người dân làm bể chứa nước, trồng thêm cây xanh, hạn chế tối đa tình trạng bê tông hóa, không vứt rác bừa bãi, luôn khơi thông cống rãnh… Công tác chống ngập chỉ phát huy hiệu quả bền vững khi và chỉ khi kết hợp tốt được cả hai nhóm giải pháp này, trên nhiều diễn đàn về chống ngập, nhiều nhà khoa học đã nhận xét như thế. Liệu ngành chức năng của TPHCM có thể tham khảo?