Ngày quốc tế bảo vệ tầng Ozone (16/9):Giữ cho hành tinh luôn mát lành

* Nghị định thư Montreal và Sửa đổi Kigali

Nghị định thư Montreal đã được đưa ra cách đây hơn 30 năm phát hiện ra các chất CFC (chlorofluorocarbons) và các chất làm suy giảm tầng ozone khác - được sử dụng trong bình xịt, hệ thống lạnh và nhiều vật dụng khác – đã làm cho tầng ozone bị suy giảm nghiêm trọng gọi là “lỗ thủng ozone”, làm cho các tia cực tím nguy hiểm xâm nhập xuống trái đất.

Theo Nghị định thư Montreal, các quốc gia đã cắt giảm việc sản xuất và sử dụng các chất này, là các khí nhà kính và có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu. Kết quả là đến giữa thế kỷ, tầng ozone hiện đang hồi phục sẽ trở lại mức ở những năm 1980. Khoảng hai triệu trường hợp ung thư da có thể được ngăn chặn mỗi năm vào năm 2030, và trái đất sẽ mát hơn so với hiện tại.

Nghị định thư Montreal sẽ tiếp tục điều chỉnh các chất làm suy giảm tầng ozone, góp phần vào cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019.

Sửa đổi, bổ sung Kigali được đánh giá là dấu mốc lịch sử quan trọng thứ hai về ứng phó với biến đổi khí hậu sau Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việc thực hiện thành công Sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ tránh phát thải khoảng 70 tỷ tấn CO2 tương đương trên phạm vi toàn cầu, góp phần giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng thêm 0,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Trách nhiệm bảo vệ tầng ozone và khí hậu không chỉ là việc riêng của mỗi quốc gia. Các cá nhân có thể góp phần thực hiện một phần bằng cách sử dụng tủ lạnh, máy điều hòa và các thiết bị khác một cách trách nhiệm. Bằng cách sử dụng đúng cách, bảo dưỡng và xử lý các thiết bị này, bạn có thể giảm thiểu việc sử dụng năng lượng, tránh phát thải và tiết kiệm tiền.

* Việt Nam trên hành trình 24 năm bảo vệ tầng ozone

Nhận thức rõ nguy cơ nêu trên và quyết tâm chung tay cùng cộng đồng quốc tế hành động để bảo vệ tầng ozone, Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giam tầng ozone vào năm 1994 và cũng đã lần lượt phê chuẩn các Sửa đổi, bổ sung London, Copenhagen, Montreal và Bắc kinh của Nghị định thư Montreal. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, Nghị định  thư

Trong suốt 24 năm qua, là một Bên thuộc Nghị định thư Montreal tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã nỗ lực tuân thủ đầy đủ các quy định của Nghị định thư Montreal. Việt Nam không sản xuất các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS) nhưng có nhập khẩu các chất ODS để phục vụ nhu cầu sản xuất, dịch vụ, chủ yếu trong các lĩnh vực điện lạnh, điều hòa không khí, bọt xốp.

Với sự hỗ trợ của Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Chương Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Bộ Tài  nguyên  và  Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án loại trừ các chất ODS.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, các bên có liên quan tổ chức các hội thảo quốc gia, hội thảo huấn luyện nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ tầng ozone và hướng dẫn kỹ năng chuyên môn cho các nhà quản lý, kỹ thuật viên của các doanh nghiệp trong việc loại trừ các chất ODS.

Việt Nam đã hoàn thành nghĩa vụ loại trừ hoàn toàn tiêu thụ hơn 500 tấn CFC, Halon và CTC từ ngày 1/1/2010; đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ 500 tấn Methyl Bromide sử dụng ngoài mục đích kiểm dịch và khử trùng hàng xuất khẩu, cũng như đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ hơn 500 tấn HCFC- 141b nguyên chất sử dụng trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt, qua đó tuân thủ nghĩa vụ loại trừ 10% tổng lượng tiêu thụ các chất HCFC từ ngày 1/1/2015.Hiện Việt Nam đang hướng đến ngưng mức tiêu thụ ở mức cơ sở các chất HFC vào năm 2024 và loại trừ 80% tổng lượng các chất HFC vào năm 2045.

* Nhiều doanh nghiệp ủng hộ việc thực hiện Sửa đổi, bổ sung Kigali

Nhận thấy rõ kỳ vọng lớn lao của Sửa đổi, bổ sung Kigali trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị phê duyệt thực hiện văn  bản này.

Bộ TN&MT đã đánh giá tác động trên 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường nếu Việt Nam thực hiện phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali. Về kinh tế, việc phê chuẩn sẽ đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước phát triển. Việc sử dụng môi chất lạnh thân thiện với môi trường, khí hậu sẽ đem lại lợi ích kinh tế do tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của nó là ảnh hưởng tới chi phí sản xuất dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp… Các yếu tố môi trường và xã hội tương tự có cả tác động tích cực và tiêu cực. Qua nghiên cứu, điều tra, khảo sát thực tế tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công ty có liên quan đều cho thấy việc phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn đối với Việt Nam.

Qua khảo sát cho thấy 54% doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi công nghệ phù hợp với quy định, 33% doanh nghiệp đồng ý chuyển đổi công nghệ nếu nhận được hỗ trợ về kinh phí và tư vấn kỹ thuật và 77% doanh nghiệp đồng ý sử dụng các chất mới không gây suy giảm tầng ozone và không hoặc có ít tác động đến biến đổi khí hậu để thay thế cho các chất HFC theo Lộ trình quy định của Sửa đổi, bổ sung Kigali.

Hy vọng, Việt Nam sớm phê chuẩn, thực hiện Sửa đổi, bổ sung Kigali, góp phần chung vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; đồng thời hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đất nước.

Bảo Châu